Tướng quân lệnh
Phan_5 end
– Cảnh đây người đấy tựa như một bức họa, nhưng rơi vào ánh mắt của Trần Sách chỉ như một chiếc gai đâm đau lòng hắn.
Phương Thanh Mai chợt liếc mắt lại, nhìn thấy Trần Sách đứng đó không xa, liền giơ tay vẫy vẫy hắn lại gần:
“Phượng Chương ca, sao lại dậy sớm vậy.”
“Từ trước tới giờ ta luôn dậy sớm. Có muội là hôm nay dậy sớm thôi.” Trần Sách tươi cười bước lại gần, thuận tay cởi chiếc áo bào trên người choàng lên vai nàng, “khoảng thời gian này, mỗi ngày nghe thấy muội tuân thủ quy củ gọi ta một tiếng Phượng Chương ca, ngược lại còn khiến ta có phần không quen.”
Chiếc áo bào dài mặc lên người Phương Thanh Mai dường như kéo lê quét đất mà còn mang theo tình ý ấm áp, là ấm dọc đôi cánh tay hơi lạnh của nàng, cảm giác ấm áp này khiến người ta muốn rơi lệ, hai tay nàng nắm lấy vạt áo, bước qua bước lại hai bước, cúi đầu bật cười:
“…..Giống như hát hí khúc.”
Trần Sách không nói, chỉ có đôi mắt là nhìn chăm chú vào đôi con ngươi đen sâu thăm thẳm của nàng, lát sát, mới thấp giọng nói:
“Thanh Mai.”
“Vâng?” Phương Thanh Mai cúi đầu lắc lắc ống tay áo của chiếc áo bào dài thượt, giọng nói phàn nàn như vô tình, “…chiếc áo này quá dài, chậc chậc.”
Trần Sách rũ mắt xuống, thì thầm nói:
“Hôm qua – Hôm qua, Trương phu nhân có đến phủ.”
“…..Ồ, vậy ư..…là tới tìm mẹ rồi.”
Trương phu nhân, là vị Trương phu nhân đó sao…là bà mối nổi tiếng mối lái giữa các phủ đệ với nhau đó sao…..
Trần Sách nhắm mắt, rồi lại mở ra:
“Bà ấy tới cầu thân.”
“.….À.”
“Nghe nói, là nhị công tử của Chu gia ở Giang Nam nhờ bà ấy tới.”
“…..Ừ.”
Lại một cơn gió khẽ thổi đến, mang theo vài chiếc lá, Trần Sách lặng lẽ vươn tay gỡ chiếc lá úa vương trên búi tóc của Phương Thanh Mai, đợi hồi lâu, mới nghe thấy nàng khẽ cười mở miệng nói:
“…..Phượng Chương ca, muội về phòng trước đây –”.
Trần Sách nắm chặt lấy cổ tay nàng, ngón tay trắng bệch khẽ run lên.
Phương Thanh Mai không ngẩng đầu lên, rất lâu sau, rút ra khỏi bàn tay đang từ từ nới lòng của hắn, quay người đi.
Bóng dáng tàn phai mờ nhạt dưới tán mai, Trần Sách siết chặt ngón tay nhìn bóng hình nàng biến mất giữa mảnh rừng mai, nhớ tới đêm qua lúc mình quỳ dưới chân mẫu thân, nghe tiếng bà khóc lóc khuyên can…..
“…..Cho dù con có quỳ xuyên nền đất dày này đi nữa, mẹ cũng không thể đồng ý cho con lấy Mai nhi! Con nói con có thể bảo vệ con bé chu toàn – vậy con có thể bảo vệ con bé chu toàn được bao nhiêu? Sách nhi à Sách nhi! Con nghĩ xem, con nghĩ thử xem! Nếu con bỏ qua thể diện của Hoàng Tề, ông ta sẽ càng được thể không buông tha cho Trần gia! Trần phủ bị tịch thu tài sản, già trẻ lớn bé trong phủ sẽ bị xung quân, con muốn để con bé chịu nhục vô ích cùng chúng ta sao! Mai nhi, con bé là một a đầu sạch sẽ – -”
“…..”
“Con dù có bản lĩnh hơn nữa, rốt cuộc tuổi vẫn còn trẻ, khó lòng chống lại được sự quyền quý – Sách nhi! Con hãy suy nghĩ thấu đáo những chuyện này đi! Cùng nhau đồng cam cộng khổ, chẳng bằng buông tay, quay người lãng quên chốn giang hồ!”.
(Câu này nguyên văn là: “Tương nhu dĩ mạt, bất nhược tương vong vu giang hồ”, nghĩa là “bón nhớt dãi làm ướt nhau, sao bằng ra sông hồ mà quên nhau”. Chuyện rằng khi nước cạn, có hai con cá cứ dấp bọt cho nhau để vớt vát chút hơi tàn. Nương tựa kiểu thoi thóp bấp bênh như vậy, kể không bằng mạnh nấy lo, dứt khoát lao ra biển lớn mà tìm đường sống cho mình)
“…..”
Cùng nhau đồng cam cộng khổ, chẳng bằng buông tay, quay người lãng quên chốn giang hồ.
Cùng nhau đồng cam cộng khổ, chẳng bằng buông tay, quay người lãng quên chốn giang hồ…..
Hắn duỗi đôi chân đã tê rần vì quỳ quá lâu ra, trong lòng không ngừng lặp đi lặp lại câu nói ấy, không biết đã trở về thư phòng bằng cách nào.
Sống trên đời hai mươi năm, hắn vì tài cao khí ngạo, tự cho rằng mình đứng ở trên cao nhìn rõ mọi nhân tình thế thái khắp thế gian, có thể tươi cười đối mặt với dòng chảy của năm tháng, nhưng, chỉ mới mười năm, mới chỉ có mười năm bốn mùa xuân hạ thu đông mà thôi! Mười năm trước đọc thấy câu nói này trong một cuốn sách, hắn chỉ cảm thấy “Cùng nhau chịu khổ” đáng quý biết bao; mười năm sau lại nghe thấy câu nói này, hắn mới hiểu, thì ra trong nhân gian lại có một nỗi niềm chua xót đến thế, dứt khoát dồn ép con người nhất định phải quên nhau…..
“Tướng quân!”.
Vị phó tướng siết chặt dây cương ghìm móng ngựa xuống dưới đất, hỏi với giọng vô cùng gấp gáp, “tướng quân, Tát Lôi dẫn tàn binh thoát thân, chúng ta có cần đuổi theo không?”.
Trần Sách nheo mắt, nhìn về bóng trăng mênh mang mờ mịt trên đỉnh Hồi Nhạc, dừng lại một lúc, thấp giọng nói:
“Không cần đâu. Đêm đã khuya rồi, tập hợp binh lính quay về thành.”
Trên đỉnh Hồi Nhạc chất đầy tử thi của binh lính Thát Tử, trong đó có không ít binh sĩ đang thị sát xung quanh, tìm kiếm thi thể của binh lính người Hán trong đống tử thi lẫn lộn ấy. Trần Sách đưa mắt nhìn ra xa, thúc ngựa đến gần một chiến trường tử thi, xuống ngựa khom lưng ngồi xổm xuống trước mặt một tiểu binh đang quỳ trên cát:
“Khóc cái gì?”.
Cậu tiểu binh nghẹn ngào không nói nên lời.
Trong tay hắn đang cầm một cái đầu đầm đìa máu, nhìn mặt mũi thì dường như khó có thể nhận ra được, nhưng xác người chia làm hai, không còn tìm thấy phần thân mình dính liền với đầu nữa. Trần Sách nhìn một hồi, vươn tay đặt lên cái đầu đầy máu tươi, nhẹ nhàng vuốt đôi mắt vẫn chưa nhắm lại ấy.
“Cậu khóc thì cậu ta sẽ chết nhắm mắt được sao?”.
Cậu tiểu binh ngẩng đầu lên, hốc mắt phải đấu tranh kịch liệt nghẹn ngào rống lên:
“Tướng…Tướng quân! Cậu ấy là huynh đệ cùng lớn lên từ nhỏ với tôi! Hôm qua cậu ấy vẫn còn hào tình vạn trượng nói với tôi rằng sẽ dựng công lập nghiệp bảo vệ giang sơn xã tắc! Nhưng hôm nay, hôm nay cậu ấy lại… Sao tôi có thể quên được, sao tôi có thể quên được chứ! Sao tôi có thể quên được đây!!”.
Cậu tiểu binh này tuổi đời còn rất trẻ, nhìn qua cũng không quá mười tám
tuổi, mặt mũi vẫn còn mang theo vẻ ngây ngô của thiếu niên, Trần Sách chăm chú nhìn cậu ta một lúc lâu, rồi xoay người lên ngựa, tháo một chiếc cung cứng được đánh sơn sáng bóng vứt xuống bên cạnh cậu ta, ngữ điệu trầm lạnh:
“Đã không quên được, vậy thì cầm lấy cây cung này, nhỡ kỹ trong đầu sẽ có một ngày báo thù cho người huynh đệ ấy.”
S có thể quên được, sao có thể quên được, sao có thể quên được chứ…..
Nhưng, rồi sẽ có một ngày, cậu ta sẽ quên được thôi.
Tung hoành nơi sa trường, trăm ngàn kẻ chết trận, nếu như nhớ rõ ràng chi tiết tất cả mọi chuyện, thì có ai còn có thể rong ruổi ở nơi cát vàng vong tình này nữa đây?
Nơi cát vàng này hoang vu là vậy, nhưng cũng chính sự hoang vu đó lại có thể mài dũa cho con người ta quên hết những bi ai sầu khổ nơi thế gian.
Cuối tháng ba sính văn đã định, tháng tư việc nạp sính lễ đã hoàn thành, đầu tháng năm chính là ngày lành của hai nhà Trần Chu.
Họ Chu ở Giang Nam cũng không được coi là một đại gia tộc, nhưng suy cho cùng cũng là một dòng họ lâu đời; nhị công tử của Chu gia – Chu Tiệm Mai, tuy rằng xuất thân từ thương nhân, nhưng cũng là người có phong thái văn nhã thanh tịnh đọc nhiều hiểu rộng thấu hiểu đạo lý, ngay cả những bậc công tử thế gia trong kinh thành cũng ít có người được như vậy – thế này, cũng không coi là thiệt thòi cho Thanh Mai.
Ngày thành thân vừa qua giờ Tí chưa lâu, Trần phu nhân đích thân tới phòng trang điểm mặc hỉ phục đỏ cho Phương Thanh Mai; trang điểm mặc quần áo xong xuôi, Trần phu nhân nắm lấy tay nàng khen nàng đẹp, nói đến đó nước mắt tuôn trào, nàng ngược lại, nâng ống tay áo đỏ rực mỉm cười lau đi những giọt nước mắt vương trên mặt bà:
“Mẹ, con sẽ thường xuyên về thăm cha mẹ mà.”
“Nhị công tử của Chu gia, mẹ đã đích thân gặp rồi, là người nho nhã tuấn tú, nhất định sẽ đối đãi với con tử tế -” Trần phu nhân khẽ cười nói, nâng tầm mắt ngắm nàng hồi lâu, cuối cùng vẫn nuốt nước mắt vào trong xoay người đứng dậy, “…..Mai nhi, mẹ đi xem thử xem kiệu đn dâu đã đến chưa.”
Trong phòng nhất thời rơi vào yên tĩnh.
Trời vẫn chưa sáng hẳn, ánh nến bên ngoài lấp lánh, đèn lồng đỏ treo khắp đình viện – ngay cả trong khu rừng mai bé nhỏ, từng ánh nến bập bùng lay động. Phương Thanh Mai sửa sang lại búi tóc và y phục, chậm rãi bước đến đứng trước cửa sổ thất thần nhìn ra ngoài một lúc lâu, đến khi nghe thấy có tiếng động đằng sau lừng mới quay người lại, nhìn thấy Trần Sách một thân y phục xanh đang bước vào phòng, chỉ có bên hông là quấn một sợi dây lưng màu, và trên tóc cũng buộc một sợi dây lụa là màu đỏ mà thôi.
Trên mặt hắn mang nụ cười nhẹ nhàng, dịu dàng như trước.
Khăn hỉ đỏ rực đặt trên bàn trang điểm, trên bông hoa mẫu đơn màu hồng phấn thêu những sợi kim tuyến màu vàng kim, hoa mỹ diễm lệ vô cùng; ánh mắt của Trần Sách nhìn từ chiếc khăn hỉ đỏ rồi nhìn đến khuôn mặt của Phương Thanh Mai, ngây ngẩn rồi lâu, mới khẽ cười mở miệng nói:
“Dậy sớm như vậy, cứ sợ là ngủ mê mệt không tỉnh chứ.”
Tiểu a đầu má hồng môi đỏ, mày thanh mắt biếc, vẫn luôn vui vẻ nhảy nhót trong mắt hắn suốt mười năm qua, chỉ qua một đêm, đã trở thành một nụ sen e ấp yểu điệu.
…..Chỉ là, không phải nở rộ trong lòng hắn.
Trong ánh nến mờ ảo, Phương Thanh Mai khe khẽ cúi mặt xuống, khuôn mặt kiều diễm như ngưng đọng lại dưới ánh nến; Trần Sách nhìn nàng, cũng không nói nổi dù chỉ một lời, chỉ có thể nặng nề nhắm mắt rất lâu, khi mở mắt ra, vẫn cứ là nụ cười dịu dàng ấy:
“Huynh trưởng như cha; giờ lành hôm nay, vẫn cứ nên để vị huynh trưởng này tiễn muội lên kiệu.”
Rồi từ từ tiến lại gần giữ chặt lấy eo lưng, bế ngang nàng lên; đã không biết bao lần dưới ánh hoàng hôn hắn ôm nàng từ thư phòng đến hậu viện về đến chiếc sập giường trong phòng nàng, chỉ là ngày hôm nay, trong giờ phút này, Trần Sách cúi mắt nhìn đôi ngươi của nàng đang phiếm đỏ, nhất thời không biết làm sao để quay người cất bước.
Chỉ sợ thêm một lần quay đầu, tất cả đã là bãi biển nương dâu.
(Ý chỉ thế giới đổi thay, lòng người thay đổi)
Năm Hi Bình thứ mười chín, ngày mồng chin tháng năm, sáng sớm, ngày tốt giờ lành, hắn ôm Phương Thanh Mai được trùm đầu bằng khăn voăn dỏ rực vào lòng, đèn lồng đỏ treo cao dọc cả con đường đi, bước chân chậm rãi hắn ôm nàng bước ra khỏi phủ đệ Trần gia, tiễn nàng vào chiếc kiệu mềm, cũng là tiễn nàng một đời bình an.
Đêm ở Tây Bắc, dường như luôn có phần trầm lặng.
Tiếng sáo lau chậm rãi vang lên, một khúc hoa mai phiêu lãng bay trong bầu trời đêm nơi đại mạc, đợi đến khi âm điệu nhỏ bé cuối cùng vang lên rồi tắt dần, Trần Sách cũng vừa vặn uống cạn giọt rượu cuối cùng trong vò. Ánh nến lay động trong lều trướng quân doanh, âm u ảm đạm; vừa đánh thắng một trận chiến, tiệc rượu quân sĩ mở mừng công ở bên ngoài vẫn chưa kết thúc, tiếng cười nói hò reo tưng bừng náo nhiệt truyền vào bên trong trướng, nghe vào trong tai lại nặng trĩu xa xôi vô cùng.
Hắn lặng lẽ lắng nghe rất lâu, cuối cùng vẫn đứng dậy, đến đứng trước một chiếc tủ gỗ, từ từ mở chiếc tủ ra.
Đặt ở trên cùng là một thanh bảo kiếm sắc nhọn được bọc trong một lớp vải nhung đen huyền, tay trái Trần Sách nhấc vỏ kiếm lên tay phải rút kiếm ra, ngân quang lóe lên kèm theo một loạt âm thanh rào rào vang lên, dư âm leng keng. Ngón tay thon dài lướt qua đầu kiếm sáng loáng, Trần Sách cong môi, nhớ tới sau một cuộc tỉ thí trong kì thi Hương vào năm Hi Bình thứ mười chín, tam giáp võ cử nhập điện, hắn một thân cao lớn đứng giữa triều đình, ngay trong khoảng khắc xin được làm võ tướng đến đóng quân tại vùng Tây Bắc, trên dưới khắp triều đều ồ lên xôn xao, ồn ào cảm thán tiếc thay cho một trang thiếu niên tài hoa đầy mình danh chấn khắp thiên hạ như hắn.
(Võ cử là một chế độ thi cử về võ thuật có từ triều đại nhà Đường, hưng thịnh thời nhà Minh và nhà Thanh, đặc biệt là nhà Thanh)
(Tam giáp là chỉ ba mức độ trong kỳ thi hội và thi đình, gồm đệ nhất giáp là trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa. Đệ nhị giáp là hoàng giáp. Đệ tam giáp là tiến sĩ)
Trong khoảng khắc đó, trong lòng hắn chỉ hiện lên đúng một câu nói giễu cợt non nớt: Cái gì mà tiểu nhân phụ nữ khó nuôi dạy hả? Huynh mới là đồ thư sinh yếu ớt ẻo lả!
Vậy mà đến giờ, đã lại sắp được mười lăm năm rồi.
Không biết đã bao lâu, bên ngoài tiếng ồn ào huyên náo lắng xuống. Mọi người chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ có tiếng lá cờ trên nóc lều trướng nhẹ tung bay lay động trong gió.
Hắn khẽ mỉm cười lại mở một vò rượu ủ cao lương, kê vò rượu lên miệng uống sảng khoái, thẳng tay lấy tay kiếm trong tay phải khêu ra từ nơi sâu nhất trong chiếc tủ gỗ mấy chiếc tay nải, nhất thời, những kiện vải màu đen, màu xanh, màu xanh đậm rơi hết xuống đất.
Chiếc áo bào tinh tế tỉ mỉ dày dặn này được gửi tới từ Giang Nam, ba năm một chiếc, tính đến năm nay chắc là cũng được năm chiếc rồi, trên chiếc nào ở hai bên sườn cổ áo cũng đều thêu một cành mai đối xứng, sợi vàng sợi bạc đan vào nhau toát ra thứ ánh sáng rực rỡ. Trần Sách chống thanh kiếm lên rồi sụp người xuống, cúi mắt nhìn từng chiếc áo bào rơi vãi khắp nơi trên nền đất, thân ảnh thon dài lặng người rất lâu trong ánh nến, rồi mới khom lưng phủ một chiếc áo bào lên người, vứt kiếm sang một bên, từ từ nằm xuống giường, để mặc mái tóc đen như mực xõa tung khắp gối.
Đài nến cao cao sụp xuống, bóng nến đã sắp tàn; khép đôi mi lại, trước mắt lại mơ hồ hiện là khung cảnh đèn đuốc sáng bừng, hắn hoảng hốt đứng trước cỗ kiệu mềm, trong lòng là cô gái chùm đầu bằng chiếc khăn hỉ đỏ tươi, ngón tay tinh tế không biết từ lúc nào đã nắm chặt lấy vạt áo hắn, cách chiếc khăn lụa mỏng đỏ tươi trước mắt, thấp giọng, khẽ gọi hắn một tiếng:
“…..Phượng Chương ca.”
Giọng nói khe khẽ giống như ở gần bên tai.
Xa cách nhau đã mười mấy năm, trong doanh trướng nơi Tây Bắc ngàn dặm xa xôi, Trần Phượng Chương đang nhắm mắt, trong giấc mộng mông lung, đôi môi mỏng khẽ nhướn lên.
Trang sức đỏ tươi diễm lệ, áo cưới rực rỡ như lửa.
Trong tiếng nhạc vui vẻ rộn ràng, trên môi hắn khẽ nở nụ cười nhìn người một người con trai khác, ôn nhuận như nước nắm lấy tay nàng, bên tai nhẹ nhàng vang lên giọng nói do dự dịu dàng của những ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, giọng nói từ một nơi xa xăm, non nớt chần chừ:
“Trường Can chung một xóm, vui đùa chẳng sầu bi;
Chàng phi ngựa tre đến, mơ xanh ném nhau cười…..”
END
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian